18/05/2018

Tin Tức

Khí chất anh hùng sử thi trên đất Thái Bình

Sinh ra ở vùng quê lúa Thái Bình, ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP DamSan chọn con đường đi cho mình từ những cọc sợi. Rồi khi những cọc sợi “lớn lên”, ông lại có quyết định táo bạo bằng những dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thái Bình.

Thoạt tiên, nghe từ “DamSan” ai cũng liên tưởng tới một doanh nghiệp trên vùng Tây Nguyên. Nhưng khi đưa thắc mắc này với ông Đông, ông chia sẻ, vì rất ấn tượng với người anh hùng trong sử thi Ê đê “Bài ca chàng Đăm Săn” và nhằm lập nên những kì tích trong lao động như người anh hùng này nên Công ty CP DamSan đã ra đời.

Từ những cọc sợi bền bỉ

– Được biết DamSan ra đời từ ý tưởng của những người “không còn trẻ”?

Đúng vậy, chúng tôi là lớp người không phải trẻ cũng không phải già. Đội ngũ lãnh đạo của DamSan đã từng là cán bộ lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, trưởng thành từ những doanh nghiệp nhà nước, bôn ba nhiều trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

– Khởi nghiệp với đội ngũ như vậy, hẳn không dễ, thưa ông?

Năm 2006, tôi xây dựng Đề án thành lập công ty và hợp tác với 1 doanh nghiệp tại Thái Bình để thực hiện. Nhưng khi mọi việc gần như hoàn tất, thì bên đối tác đột ngột thông báo không hợp tác. Trong khi đó, mọi thủ tục thành lập đã được thực hiện xong. Việc đối tác rút lui khiến tôi và các cộng sự hết sức khó khăn bởi theo Đề án, nguồn vốn thực hiện chủ yếu từ đối tác.

– Ông và các cộng sự đã thoát ra bằng cách nào?

Trước tình huống này, tôi đã phải tìm đến các mối quan hệ bạn bè ở Hà Nội để thuyết phục họ góp vốn vào dự án. May thay, do mọi người nhìn nhận được tính khả thi của dự án, nên DamSan đã nhận được sự ủng hộ, góp vốn của 12 cổ đông.

Damsan sẽ tiếp tục đầu tư vào BĐS và cũng là bước chuyển mình trở thành Tập đoàn DamSan trong tương lai không xa.

Vì vậy, năm 2006 Công ty CP dệt sợi DamSan ra đời và đi vào hoạt động tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, vốn điều lệ khi đó chỉ 12 tỷ đồng. Cty tập trung vào 3 mũi nhọn: kinh doanh các loại bông nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất và xuất khẩu sợi OE và sợi CD, sợi xe đôi; sản xuất và xuất khẩu khăn bông cao cấp, khăn ăn…

– Không phải ngẫu nhiên ông chọn ngành sợi để khởi sự trong khi thời điểm năm 2006 có rất nhiều ngành nghề mang lại lợi nhuận nhanh và cao cho doanh nghiệp?

Khi đầu tư, chúng tôi nhắm đến ngành hàng mà sản phẩm được sản xuất ra là cần thiết và không thể thiếu trong cuộc sống.

Hơn nữa, trong lịch sử phát triển kinh tế, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có giai đoạn đi lên từ ngành công nghiệp dệt may, để rồi trở thành những “con rồng” châu Á. Nhiều nhà tư bản trên thế giới cũng thành công từ ngành công nghiệp dệt, may. Điển hình như Roger Milliken – “ông vua” ngành dệt may thế giới. Nhiều thập kỷ trước, ông đã phát triển thành công “đế chế” dệt may Milliken & Co. Nổi tiếng với kỳ tích là ông chủ đầu tiên thực hiện thành công 8 dự án dệt khổng lồ tại Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Anh và Mỹ. Roger Milliken còn là một trong những doanh nhân kiểu mẫu, một niềm kiêu hãnh của xứ sở khi ông khởi xướng và thực hiện thành công các chương trình cải tổ, thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành công nghiệp dệt của Nam Corolina, Mỹ.

Điều này cũng được chứng minh tại VN với việc VN đứng đầu thế giới trong xuất khẩu các sản phẩm dệt may, xơ, sợi… Chính vì vậy, tôi mới lựa chọn ngành dệt sợi cho dù tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng mức độ trường tồn với thời gian rất mạnh mẽ.

Đến những “tổ ấm” vững chãi

– Gắn bó với công nghiệp dệt sợi 12 năm, đầu tư sang BĐS hẳn là một bước đi mạo hiểm của Damsan, thưa ông?

Thái Bình là nơi đất rộng, mật độ dân cư thấp, chuyện người dân mặn mà với chung cư là một việc “xưa nay hiếm”. Vì vậy, bước chân vào lĩnh vực BĐS không dễ chút nào.

Đặc biệt, khi thị trường đang tốt thì không thể, bởi đòi hỏi năng lực phải cao, vốn lớn, có kinh nghiệm, am hiểu thị trường thì mới làm được. Còn với DamSan, cái gì khởi sự cũng mới, nên tôi phải tính toán nghiên cứu kỹ về BĐS mới làm.

DamSan đang triển khai KCN thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải khoảng 50 ha và đầu tư 3 nhà máy, gồm một nhà máy sợi, một nhà máy dệt và nhà máy chăn ga để phục vụ cho kế hoạch xuất khẩu từ năm 2020 trở đi. DamSan cũng đang tập trung đầu tư toà nhà 21 tầng tại khu đô thị Phú Xuân DamSan gần trung tâm TP.Thái Bình.

Do đó, khi thị trường BĐS xuống đáy, các nhà đầu tư chán không mặn mà thì lại là cơ hội của những nhà đầu tư mới và yếu vốn như DamSan. Vì vậy, DamSan chọn cách mạo hiểm bước vào thị trường BĐS khi thị trường yếu nhất.

Theo quy luật, chu kỳ của thị trường BĐS từ đáy cho đến khi đi lên cao chỉ mất vài ba năm. Do đó, lúc thị trường xuống đáy thì DamSan làm hồ sơ và đến khi bắt đầu đầu tư thì thị trường ấm lên.

Và đúng như DamSan tính toán, khi thị trường phục hồi – cuối 2015 chúng tôi đã bàn giao Khu nhà ở xã hội cao 18 tầng, diện tích gần 21 nghìn m2, gồm 262 căn hộ với tổng vốn đầu tư 134 tỷ đồng. Dự án nhà ở xã hội thứ hai DamSan đã phá bỏ hai toà nhà trung cư cũ 5 tầng được xây từ những năm 1980 thế kỷ trước bị xuống cấp nghiêm trọng, để xây dựng toà nhà cao 16 tầng, gồm 289 căn hộ có diện tích 19 nghìn m2, tổng vốn đầu tư 157 tỷ đồng đã hoàn thành và bàn giao cuối năm 2017.Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản giúp DamSan thành công lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên, tôi muốn nói đến một yếu tố quan trọng nữa là đầu tư BĐS phải cần vốn lớn, mà khi thị trường BĐS rơi thì không ngân hàng nào dám cho vay tiền, tất cả đều “quay mặt” đi. Với DamSan, tôi đã dự liệu và được các cổ đông HĐQT tin tưởng góp vốn, vì vậy lĩnh vực đầu tư BĐS của DamSan mới có được thương hiệu uy tín như bây giờ.

– Từ nền tảng thành công tại Thái Bình, ông có định thử sức mình tại các tỉnh, thành ngoài ?

Hiện DamSan đang triển khai KCN thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải khoảng 50 ha và đầu tư 3 nhà máy. Cụ thể, gồm 1 nhà máy sợi, hai là một nhà máy dệt và nhà máy chăn ga để phục vụ cho kế hoạch xuất khẩu từ năm 2020 trở đi. Đây là một trong những mục tiêu của DamSan vì công ty đã lên sàn niêm yết và có đủ mọi kinh nghiệm trình độ quản lý, công ty cần mở rộng phát triển thành công ty lớn hơn. Đây là lĩnh vực sản xuất đầu tư sản phẩm cốt lõi mà DamSan đã xác định từ khi khởi sự.

Còn lĩnh vực BĐS thì tôi đang tập trung hoàn thiện các dự án cũ và mở ra các dự án mới có thể đầu tư toà nhà 21 tầng tại khu đô thị Phú Xuân DamSan gần trung tâm TP Thái Bình.

Ngoài ra, Damsan đang tìm đến điểm đầu tư mới như Hà Nội hoặc TP HCM. Đây là mục tiêu không dễ dàng, nhưng với quyết tâm, dự liệu tính toán kỹ của HĐQT cũng như của CBCNV, tôi tin Damsan sẽ tiếp tục thành công trong lĩnh vực BĐS và cũng là bước chuyển mình trở thành Tập đoàn DamSan trong tương lai không xa.

– Xin cảm ơn ông!

Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp