Kiểm tra tiến độ dự án tuyến đường bộ từ Thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn

Tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn có tổng chiều dài 21,28km. Điểm đầu tuyến đường tiếp giáp với đường dẫn cầu vượt sông Hóa, cách cầu Nghìn hiện tại khoảng 1,3km về phía hạ lưu, thuộc địa phận xã An Thanh (Quỳnh Phụ) và điểm cuối đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình). Tuyến đường có bề rộng nền đường 22,5m, được đầu tư xây dựng theo quy mô đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/giờ

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vừa đi kiểm tra tra tiến độ thực hiện dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn. Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Quỳnh Phụ và một số sở, ban, ngành.

Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn đi qua 17 xã, thị trấn thuộc thành phố Thái Bình và 2 huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Tổng mức đầu tư của dự án 2.586,83 tỷ đồng, hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), thời gian xây dựng từ năm 2020 – 2023.

Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn.

Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp với tổng kinh phí gần 199 tỷ đồng (bao gồm cả phương án di chuyển hạ tầng kỹ thuật) và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư 19,6/21,3km. Huyện Quỳnh Phụ đã bàn giao mặt bằng 7,7/7,9km, trong đó, đất nông nghiệp đã hoàn thành, đất ở còn 34 hộ chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; huyện Đông Hưng đã bàn giao mặt bằng 10,8/11,8km, trong đó, hoàn thành giải phóng mặt bằng đất lúa, vướng mắc 38 hộ đất ở, đất chuyển đổi; thành phố Thái Bình đã bàn giao mặt bằng 1,6/2,1km, vướng mắc 21 hộ đất ở, đất vườn ao trong khu dân cư.

Về công tác thiết kế: Đã thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật 20,66km/21.3km; đã phê duyệt bản vẽ thi công các đoạn đạt 17,22/21,3km, hiện đang tiếp tục triển khai thiết kế bản vẽ thi công đối với các đoạn đã được thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo quy định.

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận đề xuất bổ sung các hạng mục: hào kỹ thuật, điện chiếu sáng toàn tuyến và hệ thống giao thông thông minh, cũng như điều chỉnh các nút giao, hầm chui…, chủ đầu tư dự án đang tổ chức hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh và cập nhật tổng mức đầu tư điều chỉnh, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3/2022.

Về công tác thi công, đến nay đã triển khai thi công 14,5km (10 mũi thi công), trong đó: thi công đào hữu cơ (14,5km), đắp cát nền đường (12km), thi công đệm cát thoát nước (1,06km) và thi công bấc thấm (0,06km). Giá trị thực hiện khoảng trên 200 tỷ đồng; giá trị đã giải ngân khoảng trên 80 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các huyện, thành phố cũng như chủ đầu tư dự án, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các huyện, thành phố trong việc chủ động vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường và đánh giá cao nhà đầu tư, đơn vị thi công đã tích cực, khẩn trương triển khai thi công các hạng mục công trình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là công trình trọng điểm của tỉnh, do đó các ngành, các địa phương cần tập trung phối hợp giải quyết các ách tắc, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, qua đó tạo xung lực thúc đẩy phát triển kinh tế –  xã hội của tỉnh. Về phía nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực, triển khai thành nhiều mũi thi công, song song giữa việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ thiết kế với việc đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Về phía UBND tỉnh và các ban, ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần chủ động các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án trong phạm vi ngành, lĩnh vực phân công phụ trách; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cần tăng cường theo dõi, giám sát bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật công trình theo đúng hồ sơ thiết kế…; các các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt liên quan đến diện tích đất ở, công tác tái định cư cần được quan tâm, áp dụng linh hoạt giữa các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con nhân dân sớm ổn định chỗ ở sau khi giải phóng mặt bằng.

Về những khó khăn liên quan đơn giá nguyên vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao, khan hiếm gây khó khăn cho các nhà thầu thi công, đồng chí đề nghị Ban Quản lý dự án thường xuyên cập nhật, bám sát tình hình thực tiễn, qua đó tham mưu với UBND tỉnh kịp thời có những biện pháp tháo gỡ khó khăn./.